Cuộc nổi dậy của tù nhân Trại hủy diệt Treblinka

Quy mô đám cháy ở Treblinka II vào ngày 2 tháng 8 năm 1943 trong cuộc nổi dậy của tù nhân. Các doanh trại bốc cháy, bao gồm cả một bể chứa xăng phát nổ làm cho đám cháy lây lan sang những cấu trúc xung quanh. Tác giả của bức ảnh bí mật này là Franciszek Ząbecki.

Vào đầu năm 1943, một tổ chức kháng chiến bí mật của người Do Thái được thành lập tại Treblinka với mục tiêu chiếm quyền kiểm soát trại và chạy trốn hướng đến sự tự do.[124] Cuộc nổi dậy được bí mật chuẩn bị và lên kế hoạch từ trước trong một thời gian dài. Các đơn vị được thành lập bởi một cựu sĩ quan Quân đội Ba Lan người Do thái, bác sĩ Julian Chorążycki.[125] Nhóm của ông bao gồm Zelomir Bloch (lãnh đạo),[12] Rudolf Masaryk, Marceli Galewski, Samuel Rajzman,[101] bác sĩ Irena Lewkowska ("Irka",[126] đến từ bộ phận y tế dành cho các Hiwi),[11] Leon Haberman, Hershl (Henry) Sperling đến từ Częstochowa, và một số người khác.[127] Chorążycki (người chữa trị cho những bệnh nhân người Đức)[126] đã tự sát bằng thuốc độc vào ngày 19 tháng 4 năm 1943 khi sắp sửa đối mặt với việc bị bắt giữ,[101] nhờ đó lính Đức đã không thể khám phá được ra âm mưu bằng cách tra tấn ông.[128] Người lãnh đạo tiếp theo cũng là một cựu sĩ quan trong Quân đội Ba Lan, bác sĩ Berek Lajcher,[lower-alpha 15] đến Treblinka vào ngày 1 tháng 5. Ông sinh ra tại Częstochowa, hành nghề y tại Wyszków và bị Đức Quốc xã trục xuất đến Węgrów vào năm 1939.[129]

Cuộc nổi dậy được dự định tiến hành vào ngày 15 tháng 6 năm 1943 nhưng về sau đã bị hoãn lại.[130] Một chiến sĩ đã lén mang theo một quả lựu đạn lên trên một trong những chuyến tàu vào đầu tháng 5 chở những kẻ chống đối bị bắt giữ từ Cuộc nổi dậy ở khu Do Thái Warsaw.[131] Khi quả lựu đạn được kích hoạt tại khu cởi đồ, những lính bảo vệ và SS đã rơi vào tình trạng hoảng loạn.[132] Sau vụ nổ, Treblinka chỉ tiếp nhận khoảng 7.000 người Do Thái từ thủ đô do lo ngại về những vụ việc tương tự;[133] 42.000 người Do Thái Warsaw còn lại thay vào đó bị trục xuất đến Majdanek.[79] Việc đốt các xác chết khai quật tiếp tục được tiến hành với tốc độ tối đa cho đến cuối tháng 7.[37] Những người âm mưu nổi dậy trở nên ngày một quan ngại hơn về tương lai của mình khi mà số lượng công việc dành cho họ bắt đầu giảm xuống.[16] Với các chuyến tàu tới Treblinka ngày một ít đi, họ nhận ra rằng "họ sẽ là những người tiếp theo trong dòng người tiến vào các phòng hơi ngạt."[70][134]

Cuộc nổi dậy và những người sống sót

Cuốc nổi dậy diễn ra vào một ngày hè nóng nực, thứ hai ngày 2 tháng 8 năm 1943, hôm đó có một nhóm 40 lính Đức và Ukraina lái xe ra sông Bug để tắm.[70] Những người nổi dậy đã âm thầm mở khóa kho vũ khí gần đường ray bằng một cái chìa khóa thay thế được chuẩn bị từ trước.[101] Họ lấy đi 20-25 khẩu súng trường, 20 quả lựu đạn, một vài khẩu súng ngắn,[101] đặt chúng vào một cái xe kéo rồi mang đến chỗ đội lao động khai thác sỏi. Vào lúc 3:45 chiều, 700 người Do thái đã phát động một cuộc nổi dậy kéo dài trong 30 phút.[16] Họ đốt cháy các tòa nhà, cho nổ bể chứa xăng, và làm đám cháy lây lan ra các công trình xung quanh. Một nhóm người Do Thái có vũ trang tấn công cánh cổng chính còn một số khác cố gắng trèo qua hàng rào. Tuy nhiên khoảng 25 lính Đức và 60 Trawniki Ukraina đã nã súng máy khiến cho họ chết gần như là toàn bộ. Lajcher bị giết cùng với hầu hết các phần tử nổi dậy khác. Có khoảng 200 người Do Thái[15][16] chạy thoát ra được khỏi trại.[lower-alpha 16] Một nửa trong số đó đã bị giết sau một cuộc truy bắt bằng xe hơi và ngựa.[101] Những người Do Thái đã không cắt đường dây điện thoại,[70] giúp Stangl gọi hàng trăm lính Đức tiếp viện[134] đến từ bốn thị trấn khác nhau nhằm thiết lập sự phong tỏa trên các tuyến đường. Một số tù nhân sống sót được các thành viên của lực lượng kháng chiến Armia Krajowa vận chuyển bằng đường sông,[17] và một số người khác như Sperling đã chạy suốt một quãng đường dài 30 km (19 dặm) để rồi được những dân làng Ba Lan cứu giúp.[70] Trong số những người chạy ra được khỏi Treblinka ngày hôm đó, đã biết đến 70 người sống sót cho đến thời điểm chiến tranh kết thúc,[18] bao gồm những tác giả của các cuốn hồi ký về Treblinka được xuất bản trong tương lai là: Richard Glazar, Chil Rajchman, Jankiel Wiernik, và Samuel Willenberg.[124]

Samuel Willenberg là một trong những người sống sót, trong ảnh ông đang trình bày về bản vẽ Treblinka II của mình tại Bảo tàng Đấu tranh và Tử vì đạo nằm ở vị trí bên trong trại.

Trong số những tù nhân Do Thái chạy thoát ra được khỏi Treblinka và sống sót có hai chàng trai mà khi đó mới 19 tuổi là Samuel Willenberg và Kalman Taigman, hai người đều tới trại vào năm 1942 và từng bị buộc phải lao động dưới nguy cơ cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. Taigman qua đời năm 2012,[lower-alpha 17] trước đó ông từng cho biết về trải nghiệm của mình: "Đó là địa ngục, hoàn toàn là địa ngục. Một người bình thường không thể tưởng tượng là làm thế nào mà một người đang sống đã có thể trải qua được điều đó - Những kẻ giết người, những kẻ giết người được sinh ra một cách tự nhiên, những kẻ không hề có một chút biểu lộ sự hối hận, chúng chỉ biết tàn sát tất cả mọi thứ."[136] Sau chiến tranh, Willenberg và Taigman đã di cư đến Israel và họ dành những năm tháng còn lại của cuộc đời để kể về câu chuyện ở Treblinka.[lower-alpha 18][136][139] Ngoài ra có hai người sống sót khác là Hershl Sperling và Richard Glazar, bọn họ bị mắc một hội chứng gọi là survivor guilt (tạm dịch: Tội lỗi của người sống sót),[lower-alpha 19] kết cục dẫn đến cả hai đều tự sát.[70]

Treblinka sau cuộc nổi dậy

Bất chấp sự việc diễn ra, Treblinka II vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì là ưu tiên hàng đầu của lực lượng SS thêm một năm nữa. Stangl đã đến gặp người đứng đầu của Chiến dịch Reinhard, Odilo Globocnik, và thanh tra Christian Wirth ở Lubin; ông quyết định không thực hiện một bản báo cáo, coi như không có người Đức nào chết trong cuộc nổi dậy.[140] Stangl muốn xây dựng lại trại, nhưng Globocnik nói rằng nó sẽ sớm bị đóng cửa và Stangl sẽ được chuyển đến Trieste để hỗ trợ ngăn chặn những phần tử chống đối ở đó. Những chỉ huy cấp cao của Đức Quốc xã có thể đã cảm thấy rằng Stangl, Globocnik, Wirth, và một số nhân viên khác của Chiến dịch Reinhard biết quá nhiều điều và muốn loại bỏ họ bằng cách chuyển ra mặt trận.[141] Với việc hầu hết những người Do Thái ở các khu Do Thái tại Ba Lan đã bị tiêu diệt, có ít lý do để tái xây dựng lại trại.[142] Auschwitz có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu tiêu diệt còn lại của Đức Quốc xã, thành ra Treblinka trở nên không còn cần thiết.[143]

Chủ huy mới của trại là Kurt Franz, trước là phó chỉ huy, lên nắm quyền vào tháng 8. Sau chiến tranh ông chứng thực rằng hoạt động hành quyết bằng khí độc đã chấm dứt kể từ đó.[38] Trên thực tế, mặc dù trại đã chịu những thiệt hại lớn, nhưng các phòng hơi ngạt thì vẫn còn nguyên vẹn và việc hành tuyết người Do Thái vẫn tiếp tục được tiến hành. Tốc độ giảm xuống, với chỉ 10 toa tàu leo lên đoạn đường ray dốc trong trại cùng một thời điểm, trong khi những toa khác thì phải đợi.[144] Hai chuyến tàu cuối cùng chở người Do Thái đến trại để hành quyết bằng khí độc khởi hành từ khu Do Thái Białystok vào ngày 18 và 19 tháng 8 năm 1943.[145] Theo một báo cáo được công bố bởi Văn phòng Thông tin của Armia Krajowa, dựa trên những quan sát về các chuyến tàu Holocaust đi qua ngôi làng Treblinka, thì chúng bao gồm 78 toa (37 trong ngày đầu tiên và 39 ngày thứ hai).[144][146] 39 toa đến Treblinka vào ngày 19 tháng 8 năm 1943 mang theo ít nhất 7.600 người sống sót trong cuộc nổi dậy ở Khu Do Thái Białystok.[140]

Vào ngày 19 tháng 10 năm 1943, Chiến dịch Reinhard chấm dứt với một lá thư từ Odilo Globocnik. Ngày hôm sau, một nhóm người Do Thái số lượng lớn, Arbeitskommando, những người đã làm công việc tháo dỡ trại trong vòng vài tuần trước đó, bị đem lên những chuyến tàu vận chuyển đến trại hủy diệt Sobibór thông qua SiedlceChełm và họ bị hành quyết vào ngày 20 tháng 10 năm 1943.[73] Franz theo Globocnik và Stangl đến Trieste vào tháng 11. Các hoạt động dọn dẹp tiếp tục được tiến hành vào mùa đông. Những người Do Thái thuộc đội lao động còn sống tháo dỡ từng viên gạch của các phòng hơi ngạt và sử dụng chúng để xây lên một trang trại tại vị trí lò bánh mỳ cũ của trại như là một phần trong chiến dịch dọn dẹp. Trong một lá thư gửi cho Himmler từ Trieste vào ngày 5 tháng 1 năm 1944, Globocnik xác nhận mục đích của nó như là một bốt gác dành cho một thuộc hạ người Ukraina nhằm duy trì sự bí mật.[144] Đó là một lính Hiwi có tên Oswald Strebel, một người Ukraina mang chủng tộc Đức, được cho phép đem gia đình của mình đến vì "những lý do của việc giám sát", Globocnik viết. Strebel từng là lính bảo vệ ở Treblinka II.[146] Ông được chỉ dẫn để nói với những du khách rằng đó là một trang trại đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng những người Ba Lan địa phương thì nhận thức rõ về sự tồn tại của khu trại.[147]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trại hủy diệt Treblinka //nla.gov.au/anbd.aut-an49287901 http://www.amazon.ca/The-Rise-Fall-Third-Reich/dp/... http://www.amazon.ca/dp/0805250085 http://www.raco.cat/index.php/HMiC/article/downloa... http://www.cympm.com/treblinka.html http://dl.dropbox.com/u/47875651/TheHellOfTreblink... http://echomatkibozejniepokalaniepoczetej.com/embn... http://www.huffingtonpost.com/2014/03/31/nazi-deat... http://www.inquisitr.com/301237/when-god-went-on-h... http://www.israelnationalnews.com/News/News.aspx/1...